Giải thích nguồn gốc một bài đồng dao Kinh_Dương_Vương

Theo Giáo sư Lê Quang Châu biệt hiệu Hồng Nguyên Tử, khi ngồi chơi bên bờ sông Đuống, dưới chân mộ thủy tổ Kinh Dương Vương, ông kể rằng: "Trẻ con nước ta có trò chơi, bắt đầu từ bài đồng dao “Chi chi chành chành, cái đanh thổi lửa, con ngựa chết trương, ba vương ngũ đế, chấp chế đi tìm, ú tim bắt được, ù à ù ập”".[9] Ông giải mã bài đồng dao đó như sau: Chi chi là chi nọ (trong một tộc họ) nối chi kia. Chành chành là nếu không có chi kế tiếp thì “chành” sang họ trực hệ hoặc đồng tông. “Cái đanh thổi lửa” là biểu hiện thời cổ xưa có ông Toại Nhân dùng dùi đá lấy lửa. “Con ngựa chết trương” là hình ảnh chuyện nhân vật Hiên Viên phản vua Thần Nông, giết vua và mười bốn người, cướp ngôi, tự xưng chính mình là hậu duệ, phạm vào lời nguyền “Bắc Nam không xâm phạm nhau”, gây nên cảnh “người và ngựa chết trương đầy đồng nội”. “Ba vương Ngũ đế”, nói trước về ngũ đế là năm vị tổ của Kinh Dương Vương gồm Đế Thiên (Phục Hy), Đế Thích (Thần Nông), Đế Khôi (Viêm Đế, viêm là lửa), Đế Tiết (Hoàng Đế, vị vua đã phạm lời nguyền), Đế Thức (Thần Đế). Ba vương là ba vua anh em ruột dòng dõi Đế Thức: Vua Minh, vua Lai và vua Long Cảnh. Vua cả tên Minh đã đặt tên nước ta thời ấy là Xích Quỷ, xích là đỏ, màu lửa để chỉ rằng đây là dòng dõi của Viêm Đế, quỷ là một trong 28 ngôi sao, tượng trưng phương nam (không phải quỷ là ma quái). “Chấp chế đi tìm” kể từ Ba vương ngũ đế đã chấp nhận đi tìm một thể chế để có thể xây dựng cơ đồ bền vững. “Ú tim bắt được”, bắt được chế độ liên hiệp trăm họ lại, tạo dựng nên nhà nước Văn Lang. “Ù à ù ập” là tán thán từ tỏ dấu hiệu vui mừng.[10]

Đây là trò trẻ con chơi đã mấy nghìn năm, nó là cách người Việt ta ghi nhớ chuyện cổ sử. “Uống nước nhớ nguồn” là như thế.